Hành trình tỷ USD của game Việt gây sốt toàn cầu

Sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, cộng đồng game thế giới tiếp tục chứng kiến một hiện tượng: Axie Infinity – game NFT của Việt Nam – trở thành game NFT đắt giá nhất mọi thời đại.

Theo thống kê của CoinMarketCap đến 29/7, đồng AXS (token tiện ích của game này) đang được giao dịch ở mức 42 USD, nâng giá trị vốn hóa của AXS lên mức 2,6 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 5/2021, đội ngũ Axie Infinity cũng gọi vốn thành công 7,5 triệu USD từ những nhà đầu tư danh tiếng: tỷ phú Mark Cuban – “cá mập” trong gameshow Shark Tank của Mỹ; Alexis Ohanian – đồng sáng lập Reddit và John Robinson – Giám đốc điều hành 100 Thieves, một trong những công ty thể thao điện tử giá trị nhất thế giới.

Nguyễn Thành Trung thừa nhận mình là “con nghiện game” từ bé. Lớn lên thường xuyên trốn học để đi chơi game. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung theo học ngành Kỹ thuật Phần mềm ở Đại học FPT. Năm hai đại học, anh quyết định gác lại việc học để đi khởi nghiệp. 19 tuổi, khi bạn bè đang miệt mài trên giảng đường, Trung đã là CTO của một trong những startup công nghệ đình đám lúc bấy giờ – Lozi – tiền thân của ứng dụng giao hàng LoShip hiện nay. Sau ba năm khởi nghiệp, Trung quay lại giảng đường để tiếp tục việc học như một “nghĩa vụ cần hoàn thành” với gia đình. Trong thời gian này, anh bắt đầu làm quen với game blockchain và xây dựng game để đời của mình.

Dấu chân người Việt trước “bình minh” của NFT

Nguyễn Thành Trung thừa nhận ban đầu rất ghét blockchain vì mọi người nhắc đến công nghệ này thường nói về giá Bitcoin và các cuộc ICO (huy động tài chính cho các dự án tiền điện tử). Mặc dù ICO ban đầu là mục đích tốt, nhiều người thường lấy vốn xong là xong chuyện, không nghĩ đến sản phẩm. “Mình nghĩ việc đó không đúng với đạo đức, nên ghét lây sang toàn bộ blockchain”, Trung nói.

Những năm 2017 – 2018, blockchain là công nghệ “hot”, nên dù ghét, Trung vẫn tò mò, tìm hiểu yếu tố kỹ thuật đứng sau. Trong một lần tình cờ chơi thử một game blockchain xem những công nghệ khô cứng, khó hiểu như vậy làm sao có thể kết hợp trong một hình thức sinh động như game, Trung hiểu rằng blockchain vô tội. Việc sử dụng như thế nào tuỳ vào người làm.

Đội ngũ sáng lập của game Axie Infinity.

Trong giai đoạn này, Trung gặp các nhà đồng sáng lập của Axie Infinity. Hai trong số năm co-founder là người nước ngoài, trong đó Aleksander Leonard Larsen từ Na Uy và Jeffrey Zirlin từ Mỹ. Dự án được khởi động vào cuối năm 2017, khi đó các thành viên đều có công việc riêng. Việc xây dựng game được thực hiện sau giờ làm, trong những buổi nghỉ lễ. “Kỷ niệm mình nhớ mãi là những ngày nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, mọi người vẫn làm ngày đêm. Kế hoạch là sẽ ra mắt phiên bản đầu tiên vào mùng 2 Tết 2018, nhưng đến mùng 3 vẫn còn một chút chưa xong. Mọi người lại lao vào làm. Dù thế giới chẳng quan tâm bọn mình ra mắt game ngày nào, với những người trong dự án, đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất”, Trung kể lại.

Khi đã có sản phẩm, Axie Infinity bắt đầu gọi vốn cộng đồng bằng cách cho mọi người đặt hàng các nhân vật trong game. Số vốn ban đầu lớn hơn kỳ vọng của Trung và các đồng sáng lập. Cầm trong tay 500.000 USD, thay vì vui sướng, anh lại thấy áp lực vì “cầm tiền của người ta rồi phải làm gì đó cho tử tế”. Anh quyết định nghỉ việc, thuyết phục hai đồng sáng lập từ Mỹ và Na Uy sang Việt Nam sống và khởi nghiệp.

Theo Trung, thách thức đầu tiên với Axie Infinity là vấn đề con người. Vận hành một team toàn người Việt với nhau sẽ thuận tiện hơn, ít nhất trong việc giao tiếp. Nhưng với một team toàn cầu, mọi thứ khó khăn hơn. Trung cho rằng khi mọi người đã quyết định đi với nhau chặng đường dài, việc ngồi lại cùng nhau, thấm nhuần văn hoá, tư tưởng để hiểu suy nghĩ của nhau là vô cùng quan trọng. “Alek ban đầu còn không biết Việt Nam ở đâu. Bây giờ, cả hai đều đã quen với nhịp sống người Việt, biết ngồi sau xe máy, gọi xe ôm công nghệ, mua đồ biết mặc cả…”, anh chia sẻ.

Cuối năm 2018, số tiền ban đầu kêu gọi được của dự án cũng sắp cạn kiệt. Nguyễn Thành Trung gọi đây là thời khắc khó khăn nhất, vì nếu không tìm được nguồn tài trợ mới, game tâm huyết có thể bước sang những ngã rẽ rất khác so với bây giờ. Việc gọi vốn thời gian này cũng thách thức hơn vì lúc này thị trường tiền số đang lao dốc, niềm tin vào tiền mã hoá nói chung và blockchain bị lung lay nhiều. May mắn, Axie Infinity đã thắng đầu tư, gọi vốn thành công để tiếp tục duy trì dự án.

Bước ngoặt của ngành công nghiệp game

Không giống các game truyền thống, nhà phát hành kiếm thu nhập bằng cách bán vật phẩm cho người chơi. Trong Axie Infinity, người chơi sở hữu các tài sản độc nhất. Nhà phát hành nhận tiền hoa hồng từ việc trao đổi, mua bán các vật phẩm này.

Tương tự CryptoKitties, game blockchain của Việt Nam cũng sử dụng công nghệ NFT để phát triển. Người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nuôi và xây dựng một vương quốc trên đất liền cho thú cưng của mình. Các thú cưng trong game mang tính duy nhất, không thể bị sao chép, làm nhái, từ đó tạo ra giá trị riêng trên thị trường. Trong khi ở các game thông thường, vật phẩm ảo có thể được nhân bản vô số, dễ dàng bị kiểm soát bởi nhà phát hành hoặc mất giá trị khi game đóng cửa.

Trong Axie Infinity, mỗi thú cưng có thể mua và sở hữu dưới dạng NFT. Để “nuôi” những thú ảo này, người chơi sẽ phải mua hoặc làm nhiệm vụ để nhận một vật phẩm có tên SLP, viết tắt của small-love potion (lọ thuốc tình yêu nhỏ bé). Người chơi cũng có thể bán những thú nuôi ảo hoặc SLP mình đang sở hữu để đổi lấy đồng token của game có tên AXS. Các đồng này có thể giao dịch trên các sàn tiền điện tử lớn như Binance. Người dùng cũng có thể rút tiền về sau khi bán. Đây là lý do game NFT “made in Việt Nam” trở nên đặc biệt và nổi tiếng toàn cầu.

Giao diện game Axie Infinity.

Theo Nguyễn Thành Trung, việc thay đổi về mô hình sở hữu, tương tác này mang đến tác động tích cực cho cả hai bên. Người chơi game không chỉ giải trí mà có thể đầu tư, mua bán, trao đổi các vật phẩm. Qua việc mua bán, họ sẽ tạo ra doanh thu cho nhà phát hành. Từ khoản tiền này, những người làm game lại tiếp tục đầu tư, tạo ra nhân vật, nội dung mới, thậm chí game mới dựa trên hệ thống nhân vật sẵn có. Khi có nội dung mới, người chơi lại có nhu cầu tham gia chơi game, tương tác nhiều hơn, từ đó có nhu cầu trao đổi, mua bán. “Người chơi có thể tiếp xúc với nội dung mới còn nhà phát hành sẽ có dự án dài hơi hơn với dòng game của mình. Đó là khác biệt giữa game blockchain với game truyền thống”, Trung nhận định.

Tuy nhiên, những nhà phát hành game cũng thừa nhận thách thức của tựa game blockchain là người chơi phải qua quá nhiều bước mới có thể tiếp cận được game. “Vì tuổi đời game blockchain vẫn còn rất trẻ, chưa thể mang đến những sản phẩm hấp dẫn, thú vị, như thị trường truyền thống. Nhiệm vụ của bọn mình là giải quyết những khó khăn này để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn”, Trung nói.

Theo CNBC, mùa hè năm 2020, Axie Infinity đã trở thành một hiện tượng ở Cabanatuan phía bắc thủ đô Manila, Philippines. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không thể ra ngoài, người dân ở đảo quốc tìm đến trò chơi này để kiếm tiền. Từ vật phẩm, quà tặng kiếm được trong game, người chơi có thể “đồng bộ hoá và hoán đổi” đồng AXS thông qua Ethereum (giao dịch theo cặp AXS/ETH trên các sàn tiền số). Kỷ lục cao nhất mà một Axie được bán gần đây là 300 ETH (gần 1,6 tỷ đồng). “Game này đã giúp nhiều người Philippines bám trụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn”, CNBC bình luận.

“Điều quan trọng là nó mang lại thu nhập để chúng tôi có thể ăn, trả nợ và sống sót qua từng ngày. Axie Infinity giúp đáp ứng nhu cầu hàng ngày, thanh toán hóa đơn và các khoản nợ của chúng tôi”, CNBC dẫn lời một người chơi Philipines.

Viết tiếp giấc mơ của Flappy Bird

Nguyễn Thành Trung, CEO Axie Infinity.

Nói về thành công của Axie Infinity, Nguyễn Thành Trung cho rằng game chỉ là một vấn đề nhỏ của công nghệ blockchain, vẫn còn nhiều bài toán cần giải quyết trong tương lai mà đội của anh muốn hướng đến. Theo Trung, hiện tại, để giải thích cho mọi người blockchain là gì một cách tường tận, cặn kẽ, bình dân là rất khó. Nhưng game có thể giúp mọi người tiếp xúc một cách từ từ và tự nhiên hơn.

“Lịch sử đã chứng minh, khi có bất kỳ công nghệ nào mới, game luôn đóng vai trò cầu nối giúp người dùng dễ tiếp cận hơn. Ví dụ gần nhất là Facebook, ban đầu mình lên mạng xã hội là để chơi game với bạn bè. Hoặc smartphone màn hình cảm ứng có game kinh điển là Angry Bird để mọi người quen với thao tác vuốt, chạm. Quay về thời Windows có những tựa game huyền thoại giúp mọi người làm quen với thao tác chuột, bàn phím trước khi đến những gì phục vụ công việc”, Trung chia sẻ. “Để công nghệ blockchain gần gũi hơn với người dùng là điều mà bọn mình muốn hướng đến”, nhà sáng lập Axie Infinity chia sẻ.

CEO Axie Infinity cho rằng xét về tuổi đời, game blockchain của anh vẫn còn non trẻ, nhưng đội ngũ sẽ cố gắng tiếp nối Flappy Bird trên hành trình đưa game Việt lên bản đồ thế giới. “Trong tương lai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bọn mình sẽ tiếp tục để đưa công nghệ đến gần hơn với đời sống con người qua game”, Trung nói.

Khương Nha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button